Hiện tượng biếng ăn ở trẻ nhỏ thường gặp trong quá trình ăn dăm của các bé. Giai đoạn trẻ ăn dặm là cột mốc quan trọng, giúp trẻ dần làm quen với những “thức ăn mới lạ”, từ đó tăng trưởng toàn diện hơn. Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo ngại là không ít trẻ khi chuyển sang giai đoạn này lại bắt đầu xuất hiện tình trạng biếng ăn. Khi biếng ăn lượng thức ăn không đủ khiến cho bé không hấp thụ được đủ lượng dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng chiều cao và cân nặng. Vậy mẹ cần làm gì khi trẻ biếng ăn để bé theo kịp được tốc độ phát triển bình thường của trẻ cùng trang lứa. Hãy cùng Nutshealth tìm hiểu những nguyên nhân và giải pháp để khắc phục tình trạng đáng lo ngại này cho các thiên thần của mình nhé !!!!
Dấu hiệu nhận biết trẻ biếng ăn.
- Bé ăn ít hơn bình thường, ngậm thức ăn trong miệng lâu không chịu nuốt, bữa ăn thường kéo dài khoảng hơn 30 phút.
- Số bữa ăn hoặc lượng thức ăn của bé ăn được trong mỗi bữa ít hơn so với các bé cùng độ tuổi.
- Trong bữa cơm bé không chịu ăn một số loại thức ăn như thịt, cá, trứng, sữa hoặc từ chối ăn tất cả các loại thức ăn và tâm trạng không thoải mái.
- Bé thường có biểu hiện quấy nhiễu trong giờ ăn như chạy trốn khi tới bữa ăn, nghe thấy tiếng lanh canh của thìa, bát, hay nhìn thấy thức ăn thì có phản ứng buồn nôn hoặc khóc la bướng bỉnh.
- Bé không tăng cân trong nhiều tháng liên tiếp.
Những nguyên nhân khiến bé trở nên biếng ăn mà các mẹ cần biết.
Do thói quen ăn uống không tốt của bé.
Những thói quen này thường là do ba mẹ vô tình tạo ra cho trẻ nhất là trong giai đoạn ăn dặm của bé. Nếu ba mẹ chủ quan trong giai đoạn này có thể tạo cho bé thói quen nhai nuốt chậm chạm, ngậm thức ăn trong miệng. Bé chỉ thích tiếp nhận thực phẩm “lỏng”, ngại nhai các loại thức ăn như rau xanh, hoa quả, thịt băm …
Trẻ hay ăn uống vặt và ăn không đúng bữa. Vì dỗ bé các mẹ liền đưa các đồ ăn vặt từ bánh ngọt, bim bim, váng sữa cho đến nước ngọt cho bé. Và điều này sẽ làm tăng đường huyết và khiến bé ngang dạ không muốn ăn, gây thiếu hụt chất dinh dưỡng. Nên cho bé ăn đúng giờ mỗi ngày.
Thức ăn không hợp khẩu vị hay bữa ăn quá “tẻ nhạt” .
Các mẹ thường nghĩ, chỉ các loại thức ăn như: thịt, trứng, sữa, cá,…mới tốt, mới bổ cho bé yêu nhà mình nên bổ sung lặp lại trong thực đơn hàng ngày cho con. Chính điều này góp phần “tạo lên” chứng biếng ăn ở trẻ. Trên thực tế, các bé cần được cung cấp đa dạng các nguồn thực phẩm để đảm bảo cân đối nguồn dinh dưỡng, đồng thời giúp ăn uống ngon miệng hơn, dễ hấp thu các dưỡng chất. Vì thế ngoài các thực phẩm kể trên, các mẹ nên thêm vào thực đơn cho con: các loại rau xanh, quả tươi, đậu, vừng, lạc, tôm, cua, lươn, … cho con.
Ngoài ra các mẹ nên thay đổi cách chế biến món ăn để các bữa ăn của bé trở nên sinh động, nhiều màu sắc hấp dẫn sự thích thú của bé.
Bé bị ép ăn, tạo nên tâm lí sợ ăn.
Các bà mẹ khi cho bé ăn thường mất kiên nhẫn, tức giận vì bé không chịu ăn, không tập trung hay ăn uống chậm chạp. Các mẹ đã không biết rằng càng la mắng dọa nạt ép bé ăn sẽ khiến bé càng trở nên sợ sệt khi đến bữa ăn .Và một điều mà nhiều các mẹ bỏ qua đó là không khí gia đình trong bữa ăn vì ba mẹ thường cho bé ăn riêng, trước hoặc sau bữa ăn của cả nhà. Ba mẹ không biết rằng nếu ăn cùng với các thành viên khác bé sẽ ăn ngon hơn và nhiều hơn so với khi ăn một mình.
Tình trạng bệnh lí khiến bé biếng ăn.
Bé cũng giống như người lớn chúng ta, khi bị bệnh trong người cảm thấy vô cùng mệt mỏi và không muốn ăn uống.
- Trẻ có thể gặp khó khăn trong việc nhai nuốt do mọc răng, đau họng… khiến bé không muốn ăn. Tình trạng này kéo dài làm cho bé không hứng thú với việc ăn uống.
- Trẻ bị nhiễm ký sinh trùng đường ruột: giun đũa, giun kim, giun móc, sán,… cũng làm cho trẻ trở nên chán ăn và xanh xao.
- Khi trẻ bị virus hoặc vi khuẩn xâm nhập, gây viêm nhiễm một số cơ quan như tai, mũi, họng, mắt, đường tiêu hóa khiến trẻ bị ho, sốt và mệt mỏi. Trẻ không muốn ăn và ăn rất ít.
Tất cả các tình trạng bệnh lý kéo dài đều hình thành ở trẻ một thói quen ăn ít hơn và không hứng thú với việc ăn uống. Các cơ chế sản sinh dịch và enzyme cũng vì thế mà lười hoạt động hơn, góp phần vào tình trạng biếng ăn ở trẻ.
Biếng ăn do thức ăn không được tiêu hóa hết.
Trong những năm đầu đời, hệ tiêu hóa của bé còn đang hoàn thiện, chăm sóc dinh dưỡng không đúng cách sẽ gây ra tình trạng kém hấp thu, khó tiêu hóa. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt các nguyên tố vi lượng, mà phổ biến là chứng thiếu kẽm và thiếu sắt làm giảm chức năng miễn dịch đường tiêu hóa và tạo máu. Đây là nguyên nhân làm cho bé chán ăn, ăn không tiêu.
Mách nhỏ các mẹ cách khắc phục tình trạng biếng ăn cho bé.
Để khắc phục tình trạng biến ăn cho bé, việc đầu tiên các mẹ cần làm là tìm hiểu tất cả những nguyên nhân dẫn đến tình trạng biếng ăn của trẻ bao gồm chế độ ăn uông, dinh dưỡng, tình trạng sức khỏe cũng như những thói quen xấu khiến trẻ trở nên lười ăn….và khắc phục tình trạng này. Sau đây Nutshealth sẽ đưa ra một số giải pháp khắc phục giúp các mẹ chăm sóc bé tốt hơn nhé!
Tìm nguyên nhân bệnh lí và cách khắc phục: Cha mẹ nên tẩy giun cho trẻ 6 tháng một lần, giữ gìn vệ sinh răng miệng, điều trị bệnh nhiễm trùng… Khi bệnh, bé biếng ăn vì đang sốt, viêm họng, lở miệng hay đau răng… nên cho ăn uống bổ dưỡng nhưng “dễ nuốt” như: sữa, cháo, súp, yaourt…
Nên đưa bé đi khám bác sĩ nếu thấy tình trạng biếng ăn kéo dài và không thể khắc phục để được có những hướng dẫn và lời khuyên tốt nhất để chăm sóc sức khỏe của bé yêu tốt nhât
Dinh dưỡng hợp lí: Thức ăn cần chứa đủ và cân bằng 4 nhóm thực phẩm tinh bột, chất đạm, chất béo, rau xanh. Thực đơn nên đa dạng hóa để cân đối về tỷ lệ các chất dinh dưỡng, đổi nhiều món, tránh ăn nhiều thức ăn béo, ngọt, dầu, mỡ. Bạn cũng cần lưu ý việc trẻ thiếu các vi chất như sắt, kẽm và lysine (thường gặp ở trẻ suy dinh dưỡng) cũng là nguyên nhân gây biếng ăn. Mẹ nên chọn những thức ăn hay thực phẩm dinh dưỡng bổ sung các chất này.
Không nên ép trẻ ăn: Các bậc phụ huynh cần bình tĩnh và kiên nhẫn tìm hiểu vì sao trẻ không chịu ăn. Tuyệt đối không nên quát mắng, doạ nạt… dùng những biện pháp tiêu cực để bắt buộc bé ăn.
Tập cho bé thói quen ăn uống lành mạnh:
- Hạn chế cho trẻ ăn vặt tối đa vì nó ảnh hưởng đến khẩu vị và cảm giác thèm ăn của trẻ.
- Chọn những đồ ăn vặt có giá trị dinh dưỡng cao và thích hợp với từng độ tuổi của trẻ như lương khô, hoa quả khô, mứt trái cây, sữa chua…
- Cũng “lập thời gian biểu” cho bữa phụ giống như bữa chính. Lưu ý trước khi ăn cơm và trước khi ngủ không nên cho trẻ ăn vặt.
- Đối với những trẻ không thích ăn cơm thì càng phải kiểm soát các bữa ăn phụ. Nên cất giữ các đồ ăn vặt ở nơi trẻ không chú ý đến.
- Các mẹ cũng cần chú ý cho bé ăn cơn đúng bữa và vào giờ ăn, bạn nên thu hết tất cả mọi đồ chơi của trẻ, tắt ti vi để cho trẻ tập trung vào bữa ăn. Khi trẻ ngoan ngoãn ăn cơm và ăn ngon miệng thì nên kịp thời cổ vũ bé. Trong thời gian ăn cơm, nếu trẻ có ngó ngoáy hay chạy vòng quanh rồi quay lại bàn ăn ngay thì bạn cũng không nên ngăn cấm. Tuyệt đối không chạy theo sau để cố đút cơm cho trẻ.
Với những thông tin và lời khuyên mà Nutshealth vừa cung cấp ở trên, hy vọng các mẹ sẽ cải thiện được tình trạng biếng ăn ở trẻ, giúp bé ăn uống chủ động và hấp thu đầy đủ chất dinh dưỡng nhé!